Điều trị tuỷ răng chưa đóng chóp – P1

Trong 3 phần tiếp theo mình sẽ giới thiệu 3 phương pháp điều trị tuỷ răng chưa đóng chóp. Từ cơ chế, kỹ thuật và tiên lượng của từng phương pháp. Mời các bạn cùng theo dõi

1. Phương pháp kích thích đóng chóp

Phương pháp kích thích đóng chóp răng là phương pháp kích thích tạo ra hàng rào tổ chức cứng (tổ chức calci hóa) sát với chóp răng để chóp răng được che kín. Và quá trình này xong sẽ điều trị tuỷ thì 2 giống như răng bình thường đã đóng chóp

2. Lịch sử

Ban đầu, các răng chưa đóng cuống tủy hoại tử thường phải nhổ bỏ, còn những răng viêm tủy không hồi phục thì việc điều trị thường phải kết hợp với phẫu thuật vùng cuống. Granath năm 1959 là người đầu tiên đề xuất và mô tả phương pháp dùng Ca(OH)2) để kích thích tạo ra một Hàng rào tổ chức cứng (HRTCC) quanh cuống. Bước đột phá điều trị thực sự xảy ra vào năm 1964 khi Kaiser, lợi dụng khả năng sinh xương của Ca(OH)2, đã đưa ra phương pháp đóng cuống sử dụng calcium hydroxide – camphorated parachlorophenol, sau đó được Frank 1966 phổ biến rộng rãi. Theo Frank, Ca(OH)2 được đặt trong ống tủy và thay ba tháng một lần cho đến khi thấy hình thành HRTCC quanh cuống. Tổng thời gian điều trị có thể kéo dài đến 24 tháng hoặc lâu hơn.

3. Vật liệu sử dụng

Rất nhiều vật liệu đã được giới thiệu và sử dụng để kích thích thành lập HRTCC bao gồm patse kháng sinh, tricalcium phosphate, collagen calcium phosphate, yếu tố tăng trưởng xương, osteogenic protein, gutta-percha, Ca(OH)2. Trong đó, Ca(OH)2 được chứng minh có khả năng kích thích tạo HRTCC quanh cuống, đồng thời được sử dụng là chất đặt trong ống tủy để loại bỏ vi khuẩn trong ngắn hạn và dài hạn

4. Sử dụng calcium hydroxide kích thích đóng chóp răng

4.1 Tính chất

Tính chất hóa học: Ca(OH)2 là một chất kiềm mạnh với pH khoảng 12,5 đến 12,8. Ca(OH)2 ít tan trong nước. Tác dụng chính của Ca(OH)2 có được là do sự phân ly ra thành ion Ca2+ và OH-: Ca(OH)2 → Ca2+ + OH

Tính kháng khuẩn: Do có tính kiềm cao nên có khả năng loại bỏ nhiều loại vi khuẩn. Ion hydroxyl là gốc tự do mang tính oxy hoá cao gây ra các phản ứng mạnh mẽ, gây chết các tế bào vi khuẩn thông qua các cơ chế phá hủy màng tế
bào, làm biến chất protein, phá hủy ADN của vi khuẩn.

Hoạt tính sinh học: Được thể hiện ở khả năng kích hoạt enzyme mô, kích thích hình thành cầu ngà, chống viêm, do đó ngăn chặn tiêu chân răng, kích thích quá trình sửa chữa mô bằng việc cảm ứng hình thành tổ chức cứng. Chính đặc tính này nên Calci Hydroxide được chọn là vật liệu để che tuỷ trực tiếp và gián tiếp

4.2 Cơ chế tác dụng

Cơ chế tác dụng của Ca(OH)2 chủ yếu là do sự phân ly thành ion Ca2+ và OH- và làm tăng pH tại chỗ. Do đó cản trở vi khuẩn phát triển, trung hòa các sản phẩm chuyển hóa axít và kích thích lành thương mô quanh cuống. Ca(OH)2 ngăn ngừa ống tủy bị tái nhiễm khuẩn do có khả năng hấp thụ carbon dioxide trong ống tủy gây cản trở nguồn dinh dưỡng của vi khuẩn

Các nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh rằng lớp tổ chức hoại tử tạo ra do tiếp xúc trực tiếp với Ca(OH)2 sẽ gây ra một kích thích nhẹ với lớp tổ chức bên dưới đủ khả năng để tạo ra khung collagen để khoáng hóa. Calcium sẽ được thu hút tới vùng này và sự ngấm khoáng được bắt đầu

Ca(OH)2 có khả năng kích hoạt enzyme mô như phosphatase kiềm giúp phục hồi mô thông qua khoáng hoá. Ngoài ra, Ca(OH)2 còn có hoạt tính thấm hút nước và ngăn ngừa tiết dịch, giúp giảm viêm vùng quanh cuống

4.3 Kỹ thuật đóng cuống sử dụng Ca(OH)2

Theo khuyến cáo của Cvek, Trope M các bước bao gồm:

  • Mở tủy, xác định chiều dài ống tủy, sửa soạn nhẹ nhàng với file tay, bơm rửa nhẹ nhàng và thật nhiều với NaOCl 0,5%. Đặt sát khuẩn ống tủy bằng paste Ca(OH)2 từ 1 đến 2 tuần, cho đến khi hết triệu chứng lâm sàng.
  • Trộn bột Ca(OH)2 tạo thành một khối có độ đặc sệt cao, đặt vào ống tủy phía cuống. Hàn tạm.
  • Chụp phim 3 tháng một lần để đánh giá sự hình thành HRTCC và độ cản quang của Ca(OH)2 có giảm hay không. Nếu giảm nhiều thì cần phải đặt lại Ca(OH)2, nếu không thì có thể để thêm 3 tháng.

4.4 Tiên lượng

Mặc dù tỷ lệ điều trị thành công khá cao 87% [4] nhưng Ca(OH)2 phải cần nhiều thời gian mới phát huy tác dụng làm lành thương, và liệu bao lâu thì phải thay Ca(OH)2 vẫn chưa được thống nhất

Thời gian lành thương dài có thể liên quan tới sự tồn tại của paste Ca(OH)2 trong ống tủy, lượng paste bị đặt quá cuống, mức độ viêm nhiễm quanh cuống. Kích thước của tổn thương ở thời điểm bắt đầu điều trị, tuổi bệnh nhân được cho là tỷ lệ thuận với thời gian hình thành HRTCC.

Một số tác giả lo ngại việc đặt Ca(OH)2 kéo dài sẽ ảnh hưởng tới đặc tính cơ học của ngà răng, dẫn đến nguy cơ gãy vỡ răng tăng cao, kể cả sau khi hoàn tất điều trị

4.5 Ưu điểm

Ca(OH)2 từng được xem là lựa chọn tốt nhất, được khuyến cáo sử dụng rộng rãi bởi các đặc tính đã được chứng minh của nó: Khả năng kháng khuẩn, kích thích lành thương mô quanh cuống ở mức độ vừa phải và hình thành HRTCC, tương hợp sinh học, hoạt tính thấm hút và ngăn ngừa tiết dịch, tan rã các mô hoại tử

4.6 Nhược điểm

Ca(OH)2 không đủ mạnh để loại bỏ hết những tổn thương mạn tính lan rộng vùng quanh cuống. Thời gian điều trị kéo dài, cần 6 đến 21 tháng hoặc lâu hơn để tạo nên HRTCC, bệnh nhân cần tái khám trung bình 3 tháng một lần để thay Ca(OH)2, thường làm bệnh nhân mệt mỏi, kém hợp tác

Đặt Ca(OH)2 trong lòng ống tủy có thể làm cho răng trở nên giòn hơn, dễ gãy khi sang chấn do Ca(OH)2 có đặc tính hút ẩm và phân giải protein

Độ pH cao của Ca(OH)2 có thể gây hoại tử và thoái hóa của tế bào tại bề mặt tiếp xúc. Một vài báo cáo lâm sàng cho thấy nếu Ca(OH)2 tiếp xúc trực tiếp với bó mạch thần kinh sẽ gây nên tình trạng tăng cảm giác và dị cảm ở vùng thần kinh răng dưới, thần kinh sinh ba và thần kinh dưới ổ mắt

Do các hạn chế này mà phương pháp đóng cuống bằng Ca(OH)2 không còn là giải pháp thông dụng nữa. Sử dụng MTA như là hàng rào cuống răng giúp rút ngắn thời gian điều trị, tỷ lệ sự thành công cao hơn, ít phụ thuộc
vào sự hợp tác của bệnh nhân đã giảm thiểu việc sử dụng Ca(OH)2 ngoại trừ vai trò là chất sát khuẩn tạm thời.

Đọc tiếp phần 2 tại đây.

Đánh giá nội dung này!
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments