Di chuyển răng trong chỉnh nha là đáp ứng của răng với lực từ mắc cài, dây cung, thun, lò xo. Khi chúng ta quyết định nhổ răng để điều trị thì chúng ta phải cân nhắc các yếu tố như: chen chúc răng, neo chặn, độ nghiêng trục răng nanh và răng cửa, đường giữa lệch, hướng đứng, thẩm mỹ của mặt và cung răng, tình trạng răng, thêm vào đó là cách mà bệnh nhân tìm đến chỉnh nha với chúng ta. Một trong những điều quan trọng nhất là quyết định chọn phương pháp đóng khoảng.
Dưới đây là tổng hợp những khí cụ hay sử dụng để kéo đóng khoảng, mỗi loại có những ưu và nhược điểm riêng. Có 4 loại khí cụ hay dùng đó là:
- Thun
- Lò xo
- Loop
- Buộc chỉ thép – Lace back
Mục Lục Bài Viết
Thun chỉnh nha
Thun chỉnh nha bao gồm rất nhiều loại như: Thun tách kẽ, thun liên hàm, thun chuỗi, thun buộc mắc cài. Thun sử dụng trong đóng khoảng chủ yếu là thun chuỗi và thun liên hàm.
Thun liên hàm
Thun liên hàm hoặc band cao su là vòng latex làm từ ống latex cắt mỏng. Vị trí mắc thun thường từ R3 đến R6 hay R7. Khoảng cách từ R3 đến R6 hay R7 thay đổi ở mỗi bệnh nhân, nhưng nói chung, không thay đổi nhiều lắm và sự thay đổi không tạo ra nhiều khác biệt đối với lực thun. Để đơn giản hóa việc tính lực do thun tạo ra, chúng ta có thể xem khoảng cách từ R3 đến R6 và R7 giữa các bệnh nhân là đồng nhất, trung bình giữa R3 – R6 khoảng 25mm và giữa R3 – R7 khoảng 35mm. Khoảng cách này chỉ là khoảng cách được tính lúc miệng ngậm và khi miệng há, khoảng cách này sẽ tăng lên.

Khi mắc thun liên hàm, lực tạo ra gồm hai thành phần lực: lực đứng và lực ngang. Giả sử khi mắc thun hạng II tạo thành tam giác vuông, các góc còn lại là 30 và 60 độ, với thun 9 oz, lực đứng sẽ là 4.5 oz và lực ngang sẽ là 7.8 oz. Một cách khác để tính lực chính xác là dùng thước đo lực.

Chun được gắn vào móc bi ở band răng cối hoặc mắc cài răng nanh, móc Kobyashi trên các mắc cài răng cối nhỏ, và loop keyhole hoặc hook bấm trên dây cung.
Một gói thun nội hàm chứa 50-100 vòng thun, lực thun nhẹ-trung bình-nặng-siêu nặng (phụ thuộc vào đường kính và độ dày của thun). Lực thun đo bằng ounces (1 oz=28.34g) và gói thun có chỉ thị màu bên ngoài để phân biệt các gói thun khác nhau.
Lực | Đường kính thun | ||
Nhẹ | 1.8oz | 3mm=1/8” | 10mm=3/8” |
Trung bình | 2.7 | 4mm=3/16” | 12mm=1/2” |
Nặng | 4 | 6mm=1/4” | 14mm=9/16” |
Siêu nặng | 18 | 8mm=5/16” | 16mm=5/8” |
18mm=11/16” |
Sau đây là các loại thun thông dụng trên lâm sàng và những số liệu đo đạc khi kích hoạt (activation): Thường chỉ định lực của thun sao cho thun kéo căng dài gấp 3 lần đường kính thực của nó
Thun 1/4 6 oz
-
15mm = 3 oz
-
20mm = 5 oz
-
25mm = 8 oz
-
35mm = 12 oz
-
25mmx2 (hai sợi) = 18 oz
Sau khi mang thun một thời gian, thun sẽ bị thoái lực (decay). Mức độ thoái lực của thun 1/4 6 oz chỉ còn khoảng 5 oz sau 24h, ở độ dài 25mm. Do vậy, nên thay thun 2 lần mỗi ngày.
Thun 1/4 4 oz:
-
15mm = 5 oz
-
20mm = 5.5 oz
-
25mm = 6.5 oz
-
35mm = 8 oz
Thoái lực: 4 oz sau 24h, độ dài 25mm.
Thun 1/8 3 oz:
-
15mm = 4.5 oz
-
20mm = 5.5 oz
-
25mm = 7 oz
-
35mm = 10 oz
Thun 1/8 được sử dụng thay cho thun 1/4 nếu khoảng cách quá ngắn. Thường sử dụng 2 sợi 1/8 để đóng khoảng giữa R3 và R6 khi có nhổ răng cối nhỏ thứ nhất.
Thun 3/8 6 oz:
Thun 3/8 thường sử dụng với headgear nghịch chiều hay Face mask. Khoảng cách trung bình từ R3 đến cung mặt khoảng 40mm và từ khoảng R7 đến cung mặt khoảng 70mm.
-
40mm = 10 oz
-
70mm = 12 oz
-
70mmx2 (hai sợi) = 23 oz
Thun 3/16 3 oz:
Thun 3/16 3 oz thường sử dụng mắc liên hàm thẳng từ R3 trên đến R3 dưới. Viêc đo đạc lực theo chiều thẳng khó có thể thực hiện, tuy nhiên thun loại này qua sử dụng lâm sàng cho hiệu quả tối ưu so với những kích thước và lực khác.
Thun chuỗi
Thun chuỗi được chế tạo từ polyurethane. Bình thường polyurethane có màu trong, và màu xám, xanh hay đỏ… là do nhà sản xuất pha màu, chứ không ảnh hưởng đến tính chất của chúng. Thun chuỗi ban đầu có đặc tính hút nước bọt nên rất nhanh thoái lực và đổi màu. Đó cũng là lý do nhà sản xuất thêm màu xám, xanh… vào thun chuỗi nhằm che lấp tình trạng nhiễm màu của thun. Hiện nay, đã có loại thun chuỗi chất lượng cao, ít ngấm nước bọt và mức độ thoái lực thấp hơn nhiều so với loại thun chuỗi ban đầu. Trên lâm sàng không thể phân biệt được hai loại thun chuỗi bình thường và loại chất lượng cao này với nhau, nhưng nếu mua thun chuỗi giá thấp thì chắc chắn là loại thoái lực nhanh.
Là cao su tổng hợp nên có sự biến dạng lớn theo thời gian. Các nhà sản xuất chế tạo thun từ urethane nên cho khả năng cung cấp lực nhẹ và liên tục nhưng vẫn có độ biến dạng rất lớn. Thun chuỗi tốt khi hoạt hóa sẽ có thời gian sử dụng 60 ngày.
Không nên dùng thun chuỗi đóng các khoảng rất lớn vì lý do liên quan đến mức độ lực. Ví dụ, thun đặt từ răng cối tới răng cối, ban đầu nhả lực 400g ở cung răng trên và 350g ở răng dưới. Trong trường hợp nhổ răng cối nhỏ thì thun chuỗi sẽ bị căng quá mức trong vị trí nhổ răng, gây ra xoay các răng liền kề khoảng trống. Nếu không căng thun thì không thể đóng được khoảng.
Thun chuỗi rất hữu ích khi đóng một hoặc nhiều khoảng nhỏ tại giai đoạn cuối của điều trị, đồng thời tránh mở khoảng trong các giai đoạn điều trị nâng cao.
Dù là loại bình thường hay tốt, thun chuỗi (power chain) đều gồm có 3 loại: lực nhẹ, lực trung bình (regular chain) hay thun chuỗi không liên tục và loại lực kéo dài (super chain) hay thun chuỗi liên tục.
Thun chuỗi không liên tục
Thun chuỗi không liên tục tạo lực 20 oz (10 lỗ) nếu mắc từ R6 này đến R6 đối bên, với khoảng cách trung bình giữa 2 R6 khoảng 90mm. Mức độ thoái lực của thun chuỗi trung bình khá nhanh:
-
Sau 1 tuần: 7.5 oz
-
Sau 1 tháng : 2 oz
Nếu mắc từ R3 đến R6 (khoảng cách 13mm) với 2 vòng sẽ cung cấp lực 20 oz và cũng chỉ còn 2 oz sau 1 tháng.
Thun chuỗi liên tục
Thun chuỗi liên tục cũng cung cấp lực tương tự thun chuỗi không liên tục khi mới mắc thun, nhưng mức độ thoái lực thấp hơn. Trên lâm sàng, mắc thun này 4 lỗ với khoảng cách căng 18mm sẽ cung cấp lực 14 oz, nhưng sau 1 tháng vẫn còn 7.5 oz.
Thun liên tục này có chỉ định khi cần duy trì lực trong cả tháng, như trong trường hợp cần đóng khoảng R3 hoặc đóng các khoảng rộng. Nếu chỉ giữ các răng với nhau thì không cần sử dụng thun chuỗi loại này.
Chú ý: Mắc cài tại đầu tận của dây chun chuỗi nên được chằng cùng với ligature thép để tránh xoay răng. Chun chuỗi rất hay được sử dụng để đóng khoảng giữa các răng, mặc dù đôi khi nó có thể dùng để giữ khoảng đã gần như đóng kín. Cũng có thể sử dụng lacing ligature thép để giữ khoảng đã đóng, và biện pháp này tạo ít lực chủ động lên răng hơn so với chun chuỗi.
Thun có khoảng liên mắt thun là 3mm khuyên dùng cho đóng khoảng các răng hàm dưới. Thun liên tục thường nhả lực ban đầu cao hơn và giữ lực dư lâu hơn thun cách quãng. Bell khuyên nên căng thun gấp 3 lần độ dài ban đầu để cho mức độ lực mong muốn.
Thun có khoảng cách mắt thun là 3.5; 4mm khuyên dùng đóng khoảng cung răng trên
Lò xo chỉnh nha và cách sử dụng
Lò xo ruột gà, hay gọi tắt là lò xo, được sử dụng rất phổ biến trong đóng khoảng hay nới khoảng, với nhiều ưu điểm so với thun. Có thể dùng lò xo trong giai đoạn làm thẳng và giai đoạn dây cung cứng. Lò xo có phân 2 loại: “lò xo mở” và “lò xo đóng”. Dựa trên vật liệu là lò xo thép và lò xo NiTi
Trước những năm 30, lò xo được sử dụng là lo xo đóng và mở bằng hợp kim thép không rỉ. Ngày nay vật liệu Niti được ưa thích hơn. Các loại lò xo này có sức đàn hồi lớn, có nghĩa là khi bị nén hay kéo sẽ tích hợp năng lượng rất lớn để sau đó giải phóng lực chỉnh nha từ từ và trường diễn. Bằng cách này lò xo nhả ra lực tải vật lý, chuyển thành gia tốc di chuyển răng và hoạt động trong một thời gian rất dài, do đó không cần phải thay lò xo liên tục. Về khả năng tương hợp sinh học, vài tác giả cho rằng vật liệu Niti có tính tương hợp tốt hơn so với thép không rỉ. Những người khác cho rằng Niti lại có xu hướng bị ăn mòn hơn. So với lò xo thép, lò xo siêu đàn hồi dự trữ nhiều năng lượng hơn vì chúng có khả năng đàn hồi lớn hơn.
Lò xo thép cung cấp lực sơ khởi lớn, làm cho nhiều bệnh nhân cảm thấy khó chịu, nhưng lực này lại tiêu tan rất nhanh khi làm răng di chuyển. Loại lò xo này không có khả năng đàn hồi lớn và có xu hướng biến dạng khi sử dụng.
Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ lực do lò xo sinh ra là: tính chất dây cung, hợp kim chế tạo, kích thước vòng xoắn, độ dài và mức độ hoạt hóa lò xo. Càng ít điểm tiếp xúc giữa lò xo và dây cung thì đóng khoảng càng nhanh và di chuyển răng càng nhanh.
Một nghiên cứu của Rudge và Mair so sánh chỉ số đóng khoảng giữa thun chuỗi và lò xo đóng. Họ phân tích sự di chuyển răng của 17 đối tượng, tất cả các trường hợp đều có nhổ răng 4 và sử dụng kỹ thuật dây thẳng trên mắc cài slot (khe) 0.022”. Dây cung sử dụng là dây SS19X25 đặt trước khi bắt đầu đóng khoảng 1 tháng. Lực của lò xo đóng khoảng là trung bình (150g). Họ nhận thấy rằng chỉ số đóng khoảng của lò xo Niti cao hơn và hằng định hơn so với thun chuỗi. Lò xo Niti đóng khoảng 1.20mm mỗi tháng, trong khi thun chuỗi đóng 0.75mm. Họ cũng nhận thấy rằng lò xo đóng sẽ giải phóng một lực hằng định hơn so với thun chuỗi.
Nghiên cứu của Angolkar và cộng sự năm 1992, đánh giá độ thoát lực trên lò xo thép, chrome-cobalt và Niti trong môi trường nước bọt tại 37 độ (các lò xo đều có đường kính nội lò xo là 0.030”). Kết quả là, sau 24h thì tỉ lệ thoát lực của lò xo SS là 17%, của Cr-Co là 10%, và của Niti là 3%.
Lò xo mở
Lò xo mở trông giống như lò xo ruột gà với các vòng xoắn không chạm nhau. Dây cung được luồn vào tâm của lò xo và lo xo sẽ được NÉN lại giữa các mắc cài. Khi lò xo muốn quay lại hình dạng ban đầu của nó, nó sẽ tăng lực đẩy vào mỗi răng kế cận lò xo, gây “mở” khoảng. Lò xo mở được dùng có thể từ vật liệu thép hoặc Niti. Mỗi lại có các đặc tính khác nhau và mỗi loại tạo ra một kiểu lực khác nhau lên răng.
Lò xo mở bằng thép được hoạt hoá 25% chiều dài nguyên thủy giữa các mắc cài. Bạn phải cắt các đoạn lò xo từ dây lò xo dài sao cho nó có chiều dài lớn hơn khoảng cách giữa các mắc cài, đặt nó vào dây cung, và sau đó nén lò xo giữa các mắc cài. Nếu khoảng gian mắc cài là 10mm, thì bạn sẽ cắt đoạn lò xo dài xấp xỉ 12.5mm.
Lò xo mở bằng thép có thể đặt trên dây 016N CHỈ ở phân đoạn răng cửa hoặc dây thép ở giai đoạn dây cung tiến triển ở cả phân đoạn trước và sau. Lò xo mở được dùng ở giai đoạn làm thẳng thường được dùng tạo khoảng để mắc dây cung làm thẳng vào các răng bị khóa. Lò xo mở được dùng ở phân đoạn răng sau được dùng phổ biến để mở khoảng (hoặc mở lại khoảng đã bị đóng) của các răng mất. *Lò xo mở bằng thép giải phóng lực lớn hơn lò xo Niti, và do đó được sử dụng để di chuyển nhiều răng. Có thể hoạt hoá lò xo mở Niti 50%, và khi dược hoạt hóa thì giải phóng một lực nhỏ có thể áp dụng để di chuyển MỘT RĂNG rất hiệu quả. Đặt lò xo mở Niti để mở khoảng trong nội một cung hàm sẽ rất thiếu hiệu quả. Do đó lò xo mở Niti được sử dụng phổ biến nhất trong giai đoạn dây cung tiến triển để di xa một răng.
Khoảng cách trung bình giữa các mắc cài là 9mm và giữa các răng cối nhỏ thì còn nhỏ hơn nữa. Lực sinh ra bởi lò xo thép khi thu ngắn từ 9mm sẽ là:
-
9mm thu ngắn xuống 8mm (kích hoạt 1mm, hay 10%) = 6 oz.
-
9mm thu ngắn xuống 7mm (kích hoạt 25%) = 14 oz.
Lò xo đóng
Là loại lò xo không có khe giữa các vòng xoắn. Không thể nén loại lò xo này và do đó có thể sử dụng nó để “duy trì khoảng”. Để duy trì khoảng, ví dụ khi mất răng và bạn không muốn khoảng đó bị đóng, có thể cắt một mảnh lò xò đóng SS có độ rộng đúng bằng khoảng gian mắc cài của răng kế cận và đặt lò xo vào dây cung. Không cần phải tốn thêm chi phí cho vật liệu Niti cho mục đích này, do đó chúng ta không cần phải dùng lò xo đóng Niti để giữ khoảng.

Cũng có thể kéo căng lò xo đóng bằng việc kéo một đầu làm dài lò xo. Lò xo sau đó sẽ muốn trở lại trạng thái ban đầu, giải phóng lực ở mỗi đầu của lò xo. Lò xo đóng được sử dụng theo cách này để ĐÓNG KHOẢNG hoặc KÉO LÙI RĂNG. Một ví dụ phổ biến là sử dụng lò xo đóng để kéo lui răng nanh vào vị trí răng 4 bị nhổ. Lò xo đóng bằng thép, nếu bạn chọn loại vật liệu này cho mục đích này, được cắt từ cuộn lò xo đóng khoảng và sau đó kéo giữa răng cối và răng nanh. Lò xo đóng bằng thép sẽ được hoạt hóa 25%, và giải phóng lực lớn hơn, gây ra di gần răng cối bằng với kéo lui răng nanh. Nếu thay thế bằng lò xo đóng Niti, thì hoạt hóa 50% sẽ giải phóng lực nhỏ hơn nhiều, dẫn đến gần 100% răng nanh bị kéo lùi trong khi răng cối giữ nguyên vị trí. Hiệu quả điều trị khác biệt này là do thay đổi về lực và giá trị neo chặn của răng cối và răng nanh.
Lò xo đóng Niti được dùng để kéo lui “một răng” dọc theo dây cung tròn. Lò xo đóng khoảng bằng thép giải phóng nhiều lực hơn và do đó được dùng để di chuyển nhiều phân đoạn răng.
Lò xo thép khi kích hoạt sẽ cung cấp lực như sau:
-
10 mm, kích hoạt đến 15mm (50%) = 14 oz
-
10 mm, kích hoạt đến 12.5mm (25%) =10 oz
-
30 mm, kích hoạt đến 40mm (33%) = 7 oz

Lò xo thép chỉ nên kích hoạt 25% là tốt nhất trong điều trị.
Một số hãng chế tạo lò xo siêu đàn hồi với 3 loại nhẹ, trung bình và mạnh, tương ứng lực như sau:
-
Lực nhẹ = 50g
-
Lực trung bình = 150g
-
Lực mạnh = 300g
Lò xo Ni-Ti siêu đàn hồi có ưu điểm là tạo một lực đồng nhất dù kéo giãn ở các mức độ khác nhau.
Sử dụng loop trên dây cung
Hai loop trên dây cung được dùng: Keyhole loop (hoặc Hook bấm chế tạo sẵn) và T loop. Các loop này xác định hệ thống cơ học khác nhau, giảm thiểu suy nghĩ trong những ngày bận rộn ở phòng mạch. Cả 2 loại loop đều được tạo hình trước, cho phép thực hành được hiệu quả hơn, và không tạo khác biệt nhiều giữa các bác sỹ.
Keyhole loop hoặc hook bấm được đặt giữa răng cửa bên và răng nanh
Đo bằng thước milimet lưu động khoảng cách giữa bờ xa mắc cài răng cửa bên, hoặc đo trên mẫu hàm trên phầm mềm để xác định kích thước loop. Cung có keyhole loop hoặc T loop được đặt hàng trước về hình dạng và kích thước, hoặc bác sĩ chỉnh nha có thể tự bẻ dây cung, mỗi bệnh nhân một loại cung.
Chun và lò xo đóng khoảng bằng thép sau đó sẽ được gắn vào keyhole loop để chuyển các phân đoạn răng cùng một lúc.
T Loops
T loops được dùng làm loop đóng khoảng. Khoảng cách từ một mắc cài răng cửa bên sang răng cửa bên đối diện cộng với một vài milimet, đo bằng thước mm.
Dây cung đúng chuẩn sau đó sẽ được lựa chọn từ bộ dây cung đã bẻ Tloop trước và gắn vào cung răng. Hoạt hóa loop 1mm tại chân đứng bằng việc kéo dây cung ra khỏi phía xa ống răng cối bằng kìm và sau đó bẻ dây cong lại để chống dây trượt lại về phía gần qua ống răng cối. Động tác này gọi là cinchback. Sau đó loop sẽ muốn quay trở lại vị trí ban đầu của nó, giải phóng lực lên phân đoạn răng cửa (2-2) và phân đoạn phía sau. Do sự khác biệt về giá trị neo chặn ở phía trước và sau nên các răng cửa sẽ được kéo lui gần như 100% bằng T loop.
Keyhole loop và T loop chỉ được dùng trên dây 19x25ss. Keyhole loop biểu thị “cơ học trượt” và T loop biểu thị “cơ học không ma sát”.
Cấu tạo loop gồm: chân loop và cánh tay đứng.
- Chân của loop thẳng hoặc có hình cong tùy mục đích sử dụng.
- Cánh tay loop: Xác định cường độ lực mà loop sẽ tạo ra. Loop càng lớn thì lực nhả càng nhỏ. Chiều cao loop vào khoảng 5-7mm. Loop cao thêm 2mm thì lực giảm 50%. Loop không thể quá cao vì như vậy sẽ đè vào tiền đình mặt ngoài gây tổn thương niêm mạc.
Tiêu chuẩn bẻ loop phụ thuộc vào 2 véc tơ lực: Véc tơ hướng ngang và hướng đứng, từ đó mà có các kiểu loop khác nhau.
Loop chia thành loop ngang, loop đứng hoặc loop hỗn hợp, có thể mở khoảng hoặc đóng khoảng.
- Loop ngang: cơ chế hoạt động biểu thị trên mặt phẳng đứng, lý tưởng để đóng khoảng gần-xa.
- Loop đứng: cơ chế hoạt động biểu thị trên mặt phẳng ngang, lý tưởng để đánh lún hoặc làm trồi.
- Loop đóng có moment và lực giống như loop mở. Loop đóng khoảng cần ít lực hoạt hoá hơn.
Lực giải phóng từ loop cao 7mm bẻ trên dây 0.017X0.025SS là khoảng 250g.
Khi muốn đàn hồi nhiều hơn và ít lực hơn thì ta có thể mở rộng loop bằng cách bẻ thêm các vòng xoắn trên loop.
Lace back (Kéo lui bằng dây thép)
Phương pháp đóng khoảng được đưa vào từ năm 1990, áp dụng cơ chế trượt.
Bác sỹ McLaughlin, Bennett và Trevisi (MBT) khuyên sử dụng dây cung SS0.019X0.025 trong khe 0.022, vì dây cung này cho lực kiểm soát cắn phủ tốt và cho phép đóng khoảng vùng răng sau. Dây cung nhỏ hơn sẽ thiếu kiểm soát cắn phủ và torque. Dây cung lớn hơn sẽ hạn chế trượt ở phía sau. Đặt hook kích thước 36 đến 38mm ở hàm trên và 26mm ở hàm dưới, tùy thuộc vào độ cong của cung răng. Khoảng cách 26mm cung răng dưới trong hầu hết các trường hợp, nhưng so với cung răng trên thì khác nhau do kích thước răng cửa trên khác nhau. Do đó chúng ta phải dịch hook ra các vị trí khác nhau.
Theo MBT có 3 cơ chế đóng khoảng:
– Thun kích hoạt phía xa dạng 1 (thun ở phía xa): Đặt thun vào móc răng cối. Dùng thép 0.010”, luồn thép dưới cung răng, giúp tránh kích thích mô nướu.
– Thun kích hoạt phía xa dạng 2 (thun ở phía gần): Gần giống như dạng 1 nhưng lò xo mắc vào móc hàn vào dây cung.
Cả hai loại thun này đều kích hoạt 4-6 tuần/một lần. Nếu bệnh nhân vệ sinh răng miệng tốt thì có thể thay thun mỗi lần kích hoạt lại.
Tổng kết
Lò xo kích hoạt phía xa với lò xo Niti: Nếu khoảng đóng quá lớn hoặc nếu bệnh nhân không tuân thủ lịch hẹn, thì cần thay thế lò xo Niti cho dây thép. Samuel và cộng sự khuyến cáo đặt lò xo lực 150g để có lực đóng khoảng tối đa. Họ nhận thấy rằng lò xo 150g hiệu quả hơn lò xo 100g, nhưng không hiệu quả bằng lò xo 200g. Điều này đã ủng hộ cho những lập luận trước đây rằng lò xo đóng Niti tốt hơn thun đóng khoảng. Natrass và cộng sự khẳng định rằng lực từ thun giảm rất nhanh sau 24h, đồng thời nhiệt độ và điều kiện môi trường cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình này. Sự mất lực này không xảy ra với lò xo Niti. Mặc dù các minh chứng khoa học đã nghiêng về phía lò xo Niti, nhưng nhiều bác sỹ chỉnh nha vẫn sử dụng thun chuỗi để đóng khoảng trong hầu hết các ca lâm sàng. Nếu đóng khoảng quá nhanh, thì răng cửa có thể bị mất torque và lại mất nhiều tháng để phục hồi lại torque này sau khi đã đóng hết khoảng. Thun chuỗi rất dễ sử dụng, kinh tế hơn và vẫn hữu dụng trong nhiều trường hợp. Mặc dù vậy lò xo Niti có thể đóng khoảng mà không phải thay lò xo ở mỗi lần hẹn, đây chỉ là một lợi thế có tính tương đối, vì trong suốt quá trình đóng khoảng chúng ta phải tháo dây ra và kiểm tra độ biến dạng của dây ngay tại mỗi lần hẹn.