Cắt chóp chân răng: Chỉ định và quy trình phẫu thuật

Phẫu thuật cắt chóp chân răng là một phẫu thuật nhằm lấy đi một phần chóp chân răng cùng với mô viêm quanh chóp. Những ống tủy phụ cùng với lỗ chóp răng xung quanh chóp răng cũng có thể được lấy đi bằng cách này. Phẫu thuật cắt chóp có thể được chỉ định để giải quyết những hậu quả khi điều trị nội nha thất bại.

1. Phẫu thuật cắt chóp chân răng là gì?

Chóp răng nằm ở vị trí cuối cùng của chân răng và nằm sâu bên trong xương hàm. Nếu chóp răng bị tổn thương sẽ dẫn đến tình trạng phù nề có thể gây ra viêm, hư hỏng sâu bên trong răng làm chết tủy, nhiễm trùng chân răng,…cuối cùng là gãy vỡ răng và thậm chí là mất răng.

Lúc này, cắt chóp răng sẽ là giải pháp tốt nhất để không phải nhổ răng, cắt chóp răng sẽ loại bỏ được hết phần chóp răng bị viêm nhiễm, ống tủy còn sót lại trong quá trình điều trị tủy.

2. Chỉ định của phẫu thuật cắt chóp răng

1. Răng bị viêm quanh cuống mặc dù đã được điều trị nội nha và trám bít tương đối tốt (có thể kiểm chứng điều này trên phim Xquang)

2. Răng bị viêm quanh cuống và nội nha không giải quyết triệt để vấn đề này do:

  • Tủy răng bị vôi hóa hoàn toàn
  • Ống tủy bị cong mà dụng cụ nội nha không thể với tới hết chiều dài của nó
  • Gãy trâm nội nha trong ống tủy mà không thể loại bỏ, băng qua nó để sửa soạn ống tủy tốt. Một số trường hợp ống tủy được trám bít không hoàn hảo bởi các vật liệu trám quá cứng chắc và dụng cụ nội nha cũng không thể loại bỏ chúng ra khỏi ống tủy.

3. Răng viêm quanh cuống và không thể hoàn chỉnh nội nha do

  • Có đường thông từ ống tủy với mô quanh chóp mà không thể trám bít
  • Thủng thành bên ống tủy
  • Thủng chóp răng, mất cấu trúc giải phẫu của lỗ apex
  • Gãy chóp răng
  • Ống tủy dị dạng không thể nội nha theo cách thông thường

Trong các trường hợp kể trên việc phẫu thuật cắt chóp và trám tủy ngược là cần thiết để ngăn ngừa sự phát triển và xâm lấn của vi khuẩn từ lòng ống tủy chưa được làm sạch ra mô quanh chóp.

Từ những chỉ định của phẫu thuật cắt chóp cho thấy rằng việc điều trị nội nha nên được chú trọng hết mức có thể và nên tập trung coi nó như là biện pháp bảo tồn cuối cùng chứ đừng chủ quan nghĩ rằng có phẫu thuật cắt chóp đứng sau. Xem thêm các bài viết về nội nha tại đây:

3. Chống chỉ định cắt chóp răng

1. Chống chỉ định tương đối của phẫu thuật cắt chóp răng với các bệnh nhân: cao tuổi, có tiền sử tim mạch, đang sử dụng các thuốc chống đông, bệnh tiểu đường

2. Răng và vùng quanh răng bị tàn phá bởi viêm quanh răng. Xương tiêu quá nhiều, túi nha chu lớn, tỷ lệ thân chân không đảm bảo sau khi phẫu thuật cắt chóp

3. Các răng có mối liên hệ chặt chẽ với các mốc giải phẫu quan trọng cần tránh như: xoang hàm trên, lỗ cằm ở hàm dưới, thần kinh răng dưới… Nếu tiến hành cắt chóp trám ngược tại các răng này phải hết sức lưu ý tránh gây tổn thương.

4. Cắt chóp chân răng có đau, có nguy hiểm không?

Phẫu thuật cắt chóp chân răng chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ và trong những trường hợp bắt buộc. Dù hiểu được trường hợp của mình cần phải làm nhưng vẫn có nhiều người e ngại khi đến nha khoa bởi nỗi lo cắt chóp răng có đau không, có nguy hiểm không?

Những trường hợp phẫu thuật cắt chóp không đòi phải gây mê, khi thực hiện cắt chóp răng bác sĩ sẽ chỉ gây tê vùng viêm nhiễm, rồi nhanh chóng loại bỏ phần mô răng bị viêm. Quá trình thực hiện không đến 60 phút và bạn sẽ không cảm thấy đau nhức hay khó chịu gì.

Sau khi hết thuốc tê bạn sẽ thấy hơi ê buốt và đau nhức nhẹ nhưng sẽ không kéo dài, hơn nữa bạn còn được bác sĩ chỉ định một số loại thuốc giảm đau và hướng dẫn các biện pháp giảm đau tại nhà nên bạn có thể an tâm khi thực hiện cắt chóp răng.

Để hồi phục nhanh chóng bạn cần tuân theo chỉ định của bác sĩ trong quá trình lành thương. Đồng thời đừng quên tái khám tại nha khoa khi có yêu cầu của bác sĩ. Nếu được như vậy thì bạn chỉ mất từ 5 – 7 ngày là vết thương sẽ lành lại hoàn toàn.

5. Trang bị dụng cụ phẫu thuật cắt chóp trám ngược

cắt chóp răng

Tay khoan mini dùng để tạo xoang trám ngược. Ngày nay có thể sử dụng các đầu siêu âm kim cương để tạo xoang trám.

Trong các trường hợp phẫu trường chật hẹp có thể sử dụng các đầu siêu âm này với nhiều góc bẻ phù hợp để tạo xoang.


Gương mini và vi thám trâm dùng để thăm dò và đánh giá kích thước xoang trám ngược.

Dụng cụ đưa chất trám vào xoang trám ngược. ngày nay với sự xuất hiện của vật liệu trám ngược MTA thì công việc này trở nên đơn giản hơn và người ta dần dần quên lãng almagam và dụng cụ cổ điển này.

Nhộng almagam trộn bằng máy, cây đưa almagam và bộ dụng cụ tạo hình almagam trám ngược.

Ngoài ra còn có các dụng cụ phẫu thuật như kéo, xi lanh bơm rửa phẫu trường, kim chỉ, bộ nạo tổ chức hạt và các dụng cụ phẫu thuật cần thiết khác.

6. Trình tự phẫu thuật cắt chóp

Phẫu thuật cắt chóp răng sẽ tuần tự trải qua các bước sau:

  • Gây tê và thiết kế vạt
  • Tiếp cận vùng chóp răng theo đường rò hoặc bộc lộ chóp răng bằng cách mở cửa sổ xương tại vị trí tương ứng.
  • Loại bỏ các mô bệnh lý và cắt bỏ chóp răng tại 1/3 chóp (nên cắt hết vùng 1/3 chóp răng vì tại đây có nhiều lỗ đổ ra của ống tủy phụ)
  • Tạo xoang trám ngược, cách ly và sát trùng xoang trám trước khi đưa chất trám vào xoang. Dùng gương mini để kiểm tra trám bít
  • Bơm rửa sạch toàn thể phẫu trường, khâu đóng vết mổ.

Sau đây là các kiểu vạt thường dùng trong phẫu thuật cắt chóp răng

6.1 Vạt hình thang

Được thiết kế như hình vẽ dưới đây, vạt đi qua gai nướu của hai răng lân cận và đi trong rãnh đường viền nướu. Lật vạt toàn phần bộc lộ xương vùng chóp răng.

6.2 Vạt hình bán nguyệt

Đi trên ranh giới lợi dính và lợi tự do khoảng 1mm được mô tả như hình dưới đây. Cá nhân mình nếu phẫu thuật cắt chóp ở một răng đơn thuần thì hay dùng thiết kế kiểu vạt như thế này rất ít xâm lấn cho bệnh nhân.

7. Biến chứng

Biến chứng có thể xảy ra trong và sau khi phẫu thuật cắt chóp chân răng gồm:

  • Khoan hoặc làm tổn thương vào các cấu trúc giải phẫu quan trọng như xoang hàm trên, sàn mũi, ống thần kinh răng dưới…
  • Chảy máu lâu cầm do tổn thương mạch máu.
  • Vương vãi chất trám ngược ra mô mềm quanh chóp. Đặc biệt với chất trám là almagam có thể để lại hậu quả nhiễm sắc vùng nướu tương ứng.
  • Sử dụng vạt bán nguyệt giúp bảo tồn được đường viền nướu. Tuy nhiên phương pháp này có nhược điểm là cố định lỏng lẻo dẫn đến bục mép và lộ vùng phẫu thuật. Hậu quả là không thể tái sinh xương lấp đầy xoang cắt chóp.
  • Bong sút miếng trám ngược do kĩ thuật trám chưa tốt.
  • Cắt chóp sót tổn thương gây tái viêm quanh cuống sau một thời gian phẫu thuật.

8. Ca lâm sàng điển hình

Hình ảnh X quang cho thấy nang quanh chóp răng cửa giữa mà nguyên nhân do điều trị nội nha chưa tốt. Chưa xuất hiện hình ảnh lỗ rò trên lâm sàng.

Đường rạch mở vạt bán nguyệt, bóc tách vạt toàn phần bộc lộ xương vùng chóp răng tương ứng

Tay khoan thẳng với mũi tròn có rãnh xoắn lớn mở cửa sổ xương tiếp cận vùng chóp

Xoang trám đã được tạo xong. Bây giờ thì nhồi vật liệu trám vào thôi, ngày nay người ta chuộng MTA cho những công việc này hơn là Almagam vì những ưu điểm vượt trội của nó

Nhồi chặt chất trám và khâu đóng vết mổ. Quá trình trám ngược phải cầm máu tốt và cách ly xoang cắt chóp bằng bông gạc nhằm ngăn ngừa chất trám rơi vào lòng xoang cắt chóp.

Một vài hình ảnh biến chứng của phẫu thuật cắt chóp

Hình ảnh so sánh một ca cắt chóp trám ngược tốt với chất trám bít kín chóp răng và một trường hợp để rơi chất trám ra mô quanh chóp.

Nhiễm sắc niêm mạc quanh chóp răng tương ứng do rơi vãi almagam ra mô mềm quanh chóp (hình xăm almagam)

Phim Xquang mô tả xoang trám không được chuẩn bị tốt chất trám ngược bị bong. Bên cạnh là hình ảnh không thể tái sinh xương, lộ chóp sau phẫu thuật do hở vết mổ.

9. Cắt chóp chân răng giá bao nhiêu

Cắt chóp răng có thể kèm trám ngược hoặc không trám ngược. Chi phí cắt chóp sẽ tăng dần từ răng trước là dễ nhất tới răng hàm là rất khó

  • PT chóp không trám ngược răng trước: 2.000.000 VNĐ
  • PT chóp có trám ngược răng trước: 3.000.000 VNĐ
  • PT chóp không trám ngược răng sau: 3.000.000 VNĐ
  • PT chóp có trám ngược răng sau: 5.000.000 VNĐ

Case Lâm Sàng cắt chóp răng sau của Bs. Phạm Minh Tuấn

5/5 - (1 bình chọn)
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments