Phẫu thuật lấy mầm răng khôn

1. Chỉ định nhổ mầm răng khôn

Viêm, phù nề và đau ở bệnh nhân trẻ là có chỉ định phẫu thuật lấy mầm R8 khi đang mọc răng. Phẫu thuật viên cần khảo sát kỹ lâm sàng và hình ảnh tia X (phim panoramic). Tia X với hình ảnh thiếu khoảng mọc răng và tình trạng nha chu vùng tương ứng bình thường.

Nhổ mầm răng thông thường vì những biến chứng của nhiễm trùng. Ngoài ra, xương ổ răng và chân xa của R7 thường bị tiêu. Do đó, cần phải nhổ răng khôn trước khi các biến chứng này xảy ra. Tuy nhiên, phẫu thuật trong giai đoạn này rất khó, chân răng đang thành lập liên quan đến ống thần kinh răng dưới.

2. Tuổi bắt đầu điều trị nhổ mầm răng khôn

Theo nhiều báo cáo, thời gian tốt nhất phẫu thuật lấy mầm răng khôn mọc ngầm là khoảng một trong ba giai đoạn của quá trình mọc răng. Các bác sĩ chỉnh hình thường có những chiến lược nhổ răng khôn hàm dưới.

Tuổi xương và răng không luôn tương ứng với tuổi phát triển trí tuệ vì ở một số người hiện tượng calci hóa mầm răng có thể xảy ra rất sớm hoặc rất muộn, có thể kéo dài nhiều năm sau đó (Parant).

2.1 Giai đoạn 1: 7-11 tuổi, bắt đầu calci hóa mầm răng khôn

Bao mầm răng giới hạn rõ từ 5-7 tuổi và thường ở bờ trước cành cao xương hàm dưới. Lấy mầm răng trong giai đoạn này là nạo một cách đơn giản bằng cây nạo thông thường (Assnami & Kasazaki). Cho bao mầm răng thông với môi trường bên ngoài, chỉ nạo lấy toàn bộ bao mầm răng nếu có hiện tượng calci hóa xảy ra

Cần nhấn mạnh rằng rất khó xác định khoảng không gian đủ để R8 mọc trước tuổi kết thúc tăng trưởng vì khoảng không gian này tăng lên do hiện tượng tiêu bờ trước cành cao xương hàm dưới (Ten Cate).

Lấy mầm răng sớm (trước tuổi kết thúc quá trình calci hóa thân răng) thì không thỏa đáng. Thực ra phẫu thuật này bị hạn chế bởi tâm lý của bệnh nhân cũng như phẫu thuật viên rất nhiều như có do dự trong việc chọn lựa giữa gây tê vùng hay tại chỗ. Trong giai đoạn này, phẫu thuật không phải không có biến chứng, nên phẫu thuật là đúng hay sai vẫn còn đang bàn cãi

2.2 Giai đoạn 2: 12-15 tuổi, quá trình khoáng hóa thân răng hoàn thành

Sự calci hóa thân răng bắt đầu sau 10 tuổi. Khoảng tuổi 14, sự thành lập chân răng mới khởi đầu. Trong giai đoạn này, trần của bao mầm răng không thông với môi trường bên ngoài. Việc phẫu thuật nhằm tạo lỗ thông vào bao mầm  răng để hướng dẫn răng mọc là không thỏa đáng vì mầm răng tự xác định hướng mọc đứng. Khi phẫu thuật, cần cắt thân răng thành nhiều mảnh nhỏ (thường đã đạt kích thước thật của nó).

Lấy mầm răng trong điều trị chỉnh hình, khi cần thêm khoảng trống sau hàm. Lấy mầm răng còn giúp R7 mọc hoàn toàn và đúng vị trí hay khi mầm răng bất thường một cách có ý nghĩa

2.3 Giai đoạn 3: 14- 18 tuổi, sự thành lập một phần chân răng khôn

Sự mọc răng được xem là bắt đầu khi chân răng thứ hai calci hóa (Korbendau & Guyomard; Van Der Linden, 1983). Răng trong tư thế đứng và bắt đầu mọc trên phần xương phía xa R7.

Lấy mầm răng trong giai đoạn này là tốt nhất, vì xương bao phủ bên trên bao mầm răng đang tiêu và thân răng nằm ngay bên dưới niêm mạc. Khi mầm răng trong bao của nó thì không có nguy cơ nhiễm trùng. Nên lấy mầm răng trước khi thân răng mọc lên niêm mạc vì tránh được nguy cơ nhiễm khuẩn cộng sinh trong mô nha chu

Khám lâm sàng và khảo sát tia X nhằm đánh giá kỹ khoảng mọc răng. Nếu trường hợp không yêu cầu phẫu thuật, cần chụp X-quang định kỳ theo dõi sự phát triễn răng. Cần nhấn mạnh một lần nữa, tuổi đang phát triển không thể được sử dụng làm tiêu chí để quyết định thời điểm phẫu thuật lấy răng ngầm. Tuy nhiên, phẫu thuật lấy răng trong giai đoạn này thì đơn giản và nhanh, vì thân răng ở ngay dưới niêm mạc và chân răng thành lập một phần.

3. Quy trình phẫu thuật lấy mầm răng khôn

Tạo vạt niêm mạc màng xương

Một số trường hợp má lấn vào phần niêm mạc tam giác hậu hàm, tạo thành một gờ mô mềm. Lúc đó, bờ mô nha chu phía xa R7 có thể ở vị trí mặt nhai của nó

Rạch tạo vạt niêm mạc màng xương theo các giai đoạn đã nói trên. Bóc tách niêm mạc tam giác hậu hàm phía lưỡi đến bờ trong xương ổ R7. Khi cắt xương hay răng, có thể dùng cây nạy hay banh đưa sâu xuống dưới bảo vệ vạt niêm mạc phía lưỡi.

Khi kết thúc phẫu thuật, có thể loại bỏ một phần mô nướu phía xa R7 nhằm giúp răng mọc đúng vị trí sau lành thương

Cắt xương

Cắt xương gồm hai giai đoạn

Loại bỏ xương che phủ mầm răng

Dùng mũi khoan tròn loại bỏ trần bao mầm răng bằng cách tạo nhiều lỗ nhỏ (Komet or Thomas). Kiểm soát từng hố được tạo ra, dựa vào sự khác nhau về tính chất của men và xương, giữa xương và bao mầm răng bên dưới. Lấy toàn bộ phần xương bên trên bằng đục hay bằng mũi khoan.

Cắt xương mặt ngoài ngay tại vị trí răng ngầm

Bộc lộ phía ngoài thân răng tối đa để kiểm soát hình dạng của nó. Cần cẩn thận khi bộc lộ xương ổ răng vùng kẽ răng, tránh làm tổn hại hay bộc lộ chân xa R7

Cắt mầm răng

Cắt mầm răng nhằm hạn chế cắt bỏ quá nhiều xương ổ răng, khi lỗ mở xương quá nhỏ cho việc lấy trọn mầm răng. Nếu chân răng chưa được thành lập hết, lấy thân răng bằng đầu nhọn của cây bóc tách nhỏ. Cắt răng bắt đầu từ vị trí má theo hướng từ ngoài vào trong bằng mũi khoan trụ đầu nhọn.

Thường thì cắt thân không đứt ra hoàn toàn, răng được tách bằng nạy thẳng bằng động tác xoay. Mảnh vỡ được lấy ra bằng ống hút hay kẹp cầm máu. Đường cắt thứ hai (nếu cần) vuông góc với đường cắt ban đầu và có độ sâu bằng với độ sâu của răng ngầm

Làm sạch ổ răng sau nhổ răng

Trước khi đặt lại vạt và khâu vết mổ, cần làm sạch toàn bộ phẫu trường. Rữa bằng nước muối sinh lý nhiều lần nhằm làm sạch mô bao mầm răng còn lại

Có thể bạn quan tâm chuyên mục: Nhổ răng

Hình ảnh lâm sàng phẫu thuật lấy mầm răng khôn do BS. Phạm Minh Tuấn thực hiện

Đánh giá nội dung này!
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments