Y văn cho thấy thủ thuật coronectomy ngày càng được báo cáo rộng rãi hơn, và những nghiên cứu gần đây nhất cho thấy kết quả điều trị rất khả quan, không kém so với kĩ thuật nhổ răng thông thường.
LƯU Ý: phương pháp này chưa phổ biến tại Việt Nam và chưa được công nhận là một kỹ thuật chuẩn Bộ Y tế vì các nguy cơ nhiễm khuẩn tái diễn và kỹ thuật, nha sĩ và bạn đọc cần cân nhắc để có cuộc phẫu thành công
Coronectomy là gì?
Coronectomy (hay còn gọi là thủ thuật nhổ răng bán phần, hai thì), là kĩ thuật nhổ răng có chọn lọc, bao gồm nhổ bỏ phần thân răng mọc lệch bên trên và phần cấu trúc răng bên dưới mào xương ổ, còn phần chân răng và tủy răng không gây ảnh hưởng gì thì được để lại, nhờ đó tránh được các tổn thương trực tiếp hay gián tiếp lên thần kinh răng dưới (TKRD), tạo điều kiện cho mô mềm lành thương ngay bên trên phần chân răng được giữ lại nguyên vẹn. Thủ thuật này thường được thực hiện khi nhổ những răng khôn hàm dưới có mối liên hệ về mặt giải phẫu mật thiết với thần kinh răng dưới (TKRD), để đạt mục đích loại bỏ phần thân răng mọc lệch mà vẫn giảm thiểu nguy cơ gây tổn thương thần kinh.
Ưu, nhược điểm của phương pháp Coronectomy
Ưu điểm: Giảm thiểu nguy cơ làm tổn thương ống thần kinh răng dưới và nguy cơ làm mất cảm giác . 30% các chân răng sẽ di chuyển lên trên và ra xa ống thần kinh sau quá trình cắt bỏ thân răng, điều này làm cho quá trình tách bỏ chân răng dễ dàng hơn
Nhược Điểm: Nguy cơ nhiễm khuẩn và đau sau nhổ, nhiễm khuẩn huyệt ổ răng, sang chấn ống thần kinh
Chỉ định và chống chỉ định khi để lại chân răng khôn
Chỉ định: Những dấu hiệu thường gặp nghi ngờ mối liên hệ mật thiết giữa răng khôn hàm dưới với ống thần kinh răng dưới trên phim X quang qua dấu hiệu Monaro bao gồm (H1):
– Phần chân răng thấu quang hơn (đen hơn) khi ống TKRD cắt ngang qua.
– Laminadura quanh chân răng bị đứt đoạn.
– Ống tủy bị thu hẹp lại.
– Ống tủy rõ ràng đột ngột bị phân nhánh.
– Chân răng khôn hẹp lại.
Khi nghi ngờ thì tốt nhất vẫn nên dựa vào CBCT.
Răng lí tưởng để chỉ định coronectomy là răng không bị sâu hoặc sâu nhẹ không ảnh hưởng tủy răng và không có tổn thương quanh chóp. Răng hoại tử tủy luôn là nơi chứa đựng nguồn gốc nhiễm trùng tiềm ẩn nên bị chống chỉ định.
Chống chỉ định:
– Răng không quan trọng. Những bệnh nhân mắc hội chứng suy giảm miễn dịch ( HIV). Những bệnh nhân dễ nhiễm trùng (Đái tháo đường). Những bệnh nhân đang xạ trị.
– Một nghiên cứu đối chứng được thực hiện bởi Sencimen và cộng sự (vào năm 2010) kết luận rằng răng khôn đã được điều trị tủy từ trước thì có tỉ lệ nhiễm trùng hậu phẫu cao hơn.
– Coronectomy cũng bị chống chỉ định đối với những răng khôn nằm ngang, nằm ngay trên ống thần kinh vì quá trình thực hiện phẫu thuật có thể làm tổn thương thần kinh.
– Một chống chỉ định khác nữa của coronectomy là răng có triệu chứng lung lay trước phẫu thuật.
Quy trình kỹ thuật Coronectomy
Kĩ thuật thực hiện thủ thuật bao gồm những bước sau:
– Gây tê.
– Tạo vạt tam giác toàn phần, không sử dụng vạt phía lưỡi.
– Mở xương xung quanh mặt ngoài để bộc lộ đường nối men-cement (CEJ).
– Sử dụng mũi khoan có rãnh cắt để cắt bỏ thân răng từ vị trí CEJ. Chú ý không được cắt xuyên hoàn toàn đến mặt trong vì cần bảo tồn bản lưỡi và tránh tổn thương thần kinh lưỡi
– Sử dụng cây nạy nhỏ để nạy thân răng ra 1 cách thật cẩn thận để không làm lung lay chân răng. Nếu chân răng bị lung lay thì nên nhổ luôn.
– Sau đó sử dụng 1 mũi khoan loại bỏ hết phần men còn sót vì men răng là cấu trúc không mạch máu, nếu để lại thì sẽ bị cơ thể xem như là dị vật. Mũi khoan này còn được sử dụng để mài bớt phần chân răng đến dưới mức mào xương ổ răng mặt ngoài và mặt trong khoảng 3 mm.
– Bơm rửa ổ răng thật nhiều để loại bỏ mảnh vụn mô do khoan cắt.
– Khâu vạt lại bằng chỉ tiêu.
Sau đó bệnh nhân sẽ được hướng dẫn chăm sóc sau phẫu thuật, chụp phim theo dõi định kì tùy theo bác sĩ.
Nếu xuất hiện các biến chứng kéo dài thì nên cân nhắc nhổ luôn chân răng.
Pogrel (2007) đã mô tả kĩ thuật với 1 vài thay đổi đó là lật cả vạt mặt ngoài và mặt trong. Việc lật vạt mặt trong là để bảo vệ thần kinh lưỡi và bản lưỡi rõ ràng hơn, sau đó thân răng sẽ được cắt bỏ hoàn toàn dưới mũi khoan theo 1 góc 45 độ, chứ không dùng nạy. Theo tác giả, mục đích của việc cắt hoàn toàn như vậy là để dễ dàng gắp thân răng ra bằng kẹp (kẹp cầm máu), do đó sẽ không tạo lực lên chân răng và không làm lung lay chân răng.