Digital Smile Design (DSD) là một quy trình làm việc ứng dụng những công cụ kỹ thuật số vào điều trị nha khoa, với nhiều ưu điểm và mục đích khác nhau, trong đó mục tiêu sau cùng là cải thiện quy trình làm việc truyền thống và nâng cao kết quả điều trị trên bệnh nhân
Mục tiêu cơ bản của điều trị thẩm mỹ là sự hài lòng của khách hàng và kết quả điều trị phải đáp ứng được kỳ vọng của họ là nâng cao thẩm mỹ khuôn mặt và nụ cười.
Bất cứ khách hàng nào đều nghi ngờ kết quả cuối cùng của điều trị, và đây là một thủ thuật không thể hồi phục lại như ban đầu. Điều đó có thể được thúc đẩy và hỗ trợ tạo sự tin tưởng của khách hàng thông qua kỹ thuật Thiết kế nụ cười kỹ thuật số Digital Smile Design (DSD).
DSD là một công cụ kỹ thuật được sử dụng để thiết kế và thay đổi nụ cười của khách hàng bằng kỹ thuật số và giúp họ hình dung trước bằng cách tạo và trình bày một mô hình kỹ thuật số về thiết kế nụ cười mới của họ trước khi bắt đầu điều trị. Nó giúp giao tiếp bằng hình ảnh và sự tham gia của khách hàng vào quá trình thiết kế nụ cười của chính họ, do đó đảm bảo kết quả điều trị có thể dự đoán được và tăng khả năng đồng thuận của khách hàng.


Bài viết này đánh giá các khía cạnh của thiết kế nụ cười kỹ thuật số trong thực hành nha khoa thẩm mỹ liên quan đến việc sử dụng, ưu điểm, hạn chế và triển vọng trong tương lai.
Mục Lục Bài Viết
1. Quá trình phát triển của DSD
Trong hai thập kỷ gần đây, thiết kế nụ cười đã dần phát triển từ thiết kế tương tự vật lý sang thiết kế kỹ thuật số đã nâng cao từ 2D sang 3D. Từ những lần trước khi việc vẽ tay trên ảnh in của khách hàng được sử dụng để giao tiếp và giải thích cho khách hàng về kết quả cuối cùng sẽ như thế nào, giờ đây nó đã phát triển thành bản vẽ kỹ thuật số hoàn chỉnh trên phần mềm DSD trên máy tính. Điều này có thể dễ dàng được chỉnh sửa và có thể được thực hiện và hoàn tác bất cứ lúc nào để đạt được thiết kế cuối cùng cân bằng nhu cầu thẩm mỹ và chức năng của khách hàng.
Christian Coachman vào năm 2017 đã đề xuất sự phát triển này với trình tự các thế hệ như sau:
Thế hệ 1. Bản vẽ tương tự trên ảnh và không có kết nối với mẫu hàm. Đó là thời điểm khi vẽ bằng bút được thực hiện trên bản in của các bức ảnh để hình dung kết quả điều trị nhưng điều đó không thể liên quan đến mẫu hàm nghiên cứu. Nha khoa kỹ thuật số cho đến nay vẫn chưa được giới thiệu.
Thế hệ 2. Bản vẽ kỹ thuật số 2D và kết nối trực quan với mẫu hàm. Với sự ra đời của thế giới kỹ thuật số, một số phần mềm như PowerPoint đã được sử dụng để cho phép vẽ kỹ thuật số. Mặc dù không dành riêng cho nha khoa và chỉ giới hạn trong việc vẽ hai chiều nhưng nó chính xác hơn và ít tốn thời gian hơn so với vẽ tay. Bản vẽ có thể được kết nối trực quan với mẫu hàm nghiên cứu nhưng kết nối vật lý vẫn còn thiếu.
Thế hệ 3. Bản vẽ kỹ thuật số 2D và kết nối với mẫu hàm. Đây là sự khởi đầu của kết nối kỹ thuật số – mẫu hàm. Phần mềm vẽ đầu tiên dành riêng cho nha khoa kỹ thuật số đã được giới thiệu, liên kết thiết kế nụ cười kỹ thuật số 2D với vẽ sáp 3D. Tích hợp khuôn mặt với thiết kế nụ cười cũng được giới thiệu ở giai đoạn này, nhưng kết nối với thế giới kỹ thuật số 3D vẫn còn thiếu.
Thế hệ 4. Bản vẽ kỹ thuật số 2D và kết nối kỹ thuật số với mô hình 3D. Bây giờ là thời điểm mà nha khoa kỹ thuật số phát triển từ phân tích 2D sang 3D. Wax-up kỹ thuật số 3D có thể được thực hiện liên quan đến tích hợp khuôn mặt và các thông số thẩm mỹ nha khoa được xác định trước.
Thế hệ 5. Quy trình làm việc 3D hoàn chỉnh.
Thế hệ 6. Khái niệm 4D. Thêm chuyển động vào quá trình thiết kế nụ cười.
2. Công cụ cần có trong quy trình Digital Smile Design
Kỹ thuật DSD được thực hiện bằng thiết bị kỹ thuật số đã phổ biến trong thực hành nha khoa hiện nay và yêu cầu cơ bản cần phải có như máy tính xách tay hoặc để bàn với một trong các phần mềm DSD. Máy ảnh SLR kỹ thuật số hoặc có thể là điện thoại thông minh để thu nhận dữ liệu từ khách hàng. Một máy quét kỹ thuật số trong miệng để tạo mẫu hàm 3D, một máy in 3D và máy CAD/CAM.
Một tài liệu chụp ảnh chính xác là điều cần thiết vì phân tích răng và mặt hoàn chỉnh dựa trên các bức ảnh sơ bộ mà trên đó các thay đổi và thiết kế được xây dựng, cần có tài liệu video để phân tích động về răng, nướu, môi và khuôn mặt khi cười, cười và nói để tích hợp các nguyên tắc hướng dẫn trên khuôn mặt để thiết kế nụ cười.
3. Các phần mềm DSD
Xin nhắc lại DSD không phải là một phần mềm, mặc dù quy trình làm việc của DSD có sử dụng một số phần mềm nhất định như phần mềm trình chiếu (Keynote, Powerpoint), phần mềm nhắn tin (Whatsapp, Viber, iMessage…) và ứng dụng chia sẻ file (Dropbox, Google Drive, iCloud…), cũng như đã có nhiều phần mềm khác nhau được giới thiệu để đơn giản hóa các bước thiết kế ban đầu
Sau đây là các phần mềm DSD hay dùng trong nha khoa
1. Photoshop CS6 (Adobe Systems Incorporated),
2. Microsoft PowerPoint (Microsoft Office, Microsoft, Redmond, Washington, USA).
3. Smile Designer Pro (SDP) (Tasty Tech Ltd),
4. Aaesthetic Digital Smile Design (ADSD – Dr. Valerio Bini),
5. Cerec SW 4.2 (Sirona Dental Systems Inc.),
6. Planmeca Romexis Smile Design (PRSD) (Planmeca Romexis®),
7. VisagiSMile (Web Motion LTD),
8. DSD App by Coachman (DSDApp LLC),
9. Keynote (iWork, Apple, Cupertino, California, USA)
10. Guided Positioning System (GPS)
11. DSS (EGSolution)
12. NemoDSD (3D)
13. Exocad DentalCAD 2.3
4. Quy trình cụ thể Digital Smile Design
4.1 Chụp ảnh và quay phim bệnh nhân
Chúng ta sẽ cần chụp nhiều hình ảnh khác nhau, trong đó có 3 kiểu ảnh quan trọng nhất cần thiết cho việc thiết kế, đó là:
- Hình chụp toàn bộ khuôn mặt khi cười lớn
- Hình chụp khuôn mặt ở tư thế nghỉ
- Hình chụp toàn bộ khuôn mặt có kèm banh miệng (hoặc hình chụp toàn bộ cung răng hàm trên có banh miệng).
Để đảm bảo việc đồng bộ hình ảnh ở giai đoạn sau tiến hành thuận lợi, tư thế đầu và hai hàm của bệnh nhân trong các hình ảnh này cần được giữ nguyên và giống nhau.

Các tác giả cũng khuyến cáo nên quay một đoạn video ngắn khi khách hàng đang trình bày những bận tâm và mong muốn của họ về kết quả điều trị. Video này cũng phải lưu lại được các vị trí có thể của nụ cười và cung răng của khách hàng như góc nhìn phía bên và chéo 45 độ. Thành viên của nhóm điều trị liên chuyên khoa có thể tham khảo video này để đánh giá thêm về nụ cười của khách hàng và hiểu thêm về quan điểm cá nhân của họ.
4.2 Thiết kế nụ cười kỹ thuật số
Hình chữ thập (the cross): Vẽ hai đường thẳng vuông góc ở giữa slide, tạo thành một chữ thập. Đặt ảnh chụp ngoài mặt khi cười lớn dưới hai đường thẳng này.
Cung mặt kỹ thuật số (digital facebow): chọn đường tham chiếu theo chiều ngang theo ảnh ngoài mặt là một bước rất quan trọng khi thiết kế nụ cười. Thông thường chúng ta thường chọn đường nối gian đồng tử là đường tham chiếu đầu tiên để xác định mặt phẳng ngang. Tuy nhiên nó không phải là đường tham chiếu duy nhất. Cần phân tích tổng thể khuôn mặt bệnh nhân để xác định đường tham chiếu theo chiều ngang phù hợp. Sau khi đã xác định đường tham chiếu theo chiều ngang, canh chỉnh ảnh bệnh nhân sao cho đường thẳng đứng sẽ tương ứng với đường giữa mặt của bệnh nhân. Đường giữa mặt được phác họa dựa trên các điểm mốc như glabella, mũi, cằm.

Phân tích nụ cười: kéo đường tham chiếu ngang xuống vùng miệng sẽ cho phép đánh giá sơ bộ về tương quan giữa nụ cười với khuôn mặt. Gộp nhóm (group) các đường thẳng với ảnh chụp sẽ cho phép ta phóng đại hình ảnh mà không làm mất đi tương quan giữa các đường thẳng và ảnh chụp. Nhờ vậy ta có thể dễ dàng phá hiện được các vấn đề như lệch đường giữa, nghiêng xéo mặt phẳng nhai…

Chuyển các đường tham chiếu lên ảnh chụp trong miệng: Để phân tích các hình ảnh trong miệng theo các tham chiếu ngoài mặt, hai đường thẳng tham chiếu phải được chuyển vào hình chụp khi có banh miệng bằng cách sử dụng ba đường thẳng chuyển tiếp được vẽ trên hình chụp nụ cười như sau:
- Đường thẳng số 1: từ đỉnh của răng nanh này sang răng nanh bên kia
- Đường thẳng số 2: từ trung điểm của rìa cắn răng cửa giữa bên này sang trung điểm của rìa cắn răng cửa giữa bên kia.
- Đường thẳng số 3: qua đường giữa răng, từ đỉnh của gai nướu đến khoảng tiếp cận của hai răng cửa giữa.

Điều này rất cần thiết để giúp cân chỉnh bốn đặc điểm cơ bản trên ảnh chụp: kích thước, độ nghiêng, vị trí rìa cắn và vị trí đường giữa. Đường vẽ số 1 sẽ giúp hướng dẫn hai khía cạnh đầu tiên là kích thước và độ nghiêng, đường vẽ số 2 giúp định hướng vị trí rìa cắn răng cửa và đường vẽ số 3 giúp điều chỉnh vị trí của đường giữa răng.

- Đo tỷ lệ các răng: Đo đạc tỷ lệ chiều rộng/chiều cao của các răng cửa giữa là bước đầu tiên để đi đến việc thấu hiểu cách để thiết kế lại nụ cười. Một hình chữ nhật sẽ được đặt lên trên các cạnh của hai răng cửa giữa. Tỷ lệ của các răng cửa giữa bệnh nhân có thể được so sánh với tỷ lệ lý tưởng được miêu tả trong y văn.

- Đánh giá thẩm mỹ trắng và thẩm mỹ hồng: sau khi đã có hết tất cả các đường tham chiếu và hình vẽ cần thiết, bác sĩ lâm sàng sẽ hiểu rõ các vấn đề thẩm mỹ liên quan đến cung răng trên của bệnh nhân, bao gồm kích thước răng, tương quan giữa các răng, tương quan giữa răng và đường cười, nghiêng lệch đường giữa và mặt phẳng nhai, sự bất hài hòa mô mềm, tương quan giữa mô mềm và các răng, chiều cao gai nướu, vị trí của đường viền nướu, thiết kế rìa cắn răng cửa và trục răng.

- Phác họa các răng: Từ bước này trở đi, các hình vẽ sẽ được phác thảo dựa trên những gì cần được mường tượng và trao đổi trên từng ca lâm sàng riêng biệt. Ví dụ, ta có thể phác họa các răng trên ảnh chụp, hoặc có thể cắt dán các thiết kế hình dạng răng có sẵn. Việc lựa chọn hình dạng răng sẽ tùy theo các yếu tố như biểu cảm tâm lý của hình thái răng và mong muốn của bệnh nhân, đặc điểm gương mặt và những kỳ vọng về thẩm mỹ khác.

Từ thiết kế này, chúng ta có thể tiến hành mô phỏng nụ cười sau điều trị cho bệnh nhân, có thể với màu răng gốc hoặc mẫu răng có sẵn.
4.3 Đồng bộ hóa các thông tin kỹ thuật số với mẫu hàm thực tế
Cân chỉnh thước kỹ thuật số: Ta có thể cân chỉnh kích thước của thước kỹ thuật số trên hình chụp trong miệng bằng cách đo một khoảng cách bất kỳ trên mẫu hàm, sau đó chuyển kích thước này lên máy tính. Chẳng hạn như chúng ta có thể đo chiều rộng của hai răng cửa giữa như hình minh họa dưới đây.



Sau khi thước kỹ thuật số đã được cân chỉnh, bác sĩ lâm sàng có thể tiến hành các đo đạc cần thiết trên ảnh chụp.
Chuyển các đường tham chiếu lên mẫu hàm: trước tiên đường tham chiếu ngang trên hình chụp trong miệng sẽ được kéo lên cao so với rìa cắn của sáu răng trước.

Khoảng cách giữa đường ngang với rìa cắn của mỗi răng sẽ được đo bằng thước kỹ thuật số. Các khoảng cách này sẽ được viết lên trên slide.

Sau đó ta dùng thước kẹp để chuyển các khoảng cách này lên mẫu hàm



Đánh dấu bằng bút chì các điểm có khoảng cách với rìa cắn tương tự như trên ảnh kỹ thuật số. Nối các điểm này lại, ta sẽ được một đường ngang trên các răng.


Bước tiếp theo là chuyển đường dọc giữa. Vì đường dọc luôn vuông góc với đường ngang nên ta chỉ cần một điểm để xác định vị trí của đường dọc giữa. Khoảng cách giữa đường giữa răng và đường giữa mặt tại rìa cắn răng cửa sẽ được đo trên máy tính rồi chuyển lên mẫu hàm nhờ thước kẹp.


Tiếp theo vẽ đường thẳng đi qua điểm này và vuông góc với đường tham chiếu ngang, ta sẽ được đường tham chiếu dọc.


4.4 Tạo mẫu sáp chẩn đoán (wax-up)
Sau khi chuyển được hai đường chữ thập nói trên lên mẫu hàm, ta có thể chuyển mọi thông tin cần thiết khác, chẳng hạn như đường viền nướu, độ phủ chân răng, làm dài thân răng, giảm kích thước rìa cắn và chiều rộng các răng. Đến giai đoạn này, cả trên slide và trên mẫu hàm, ta đã có đủ tất cả các thông tin cần thiết cho kỹ thuật viên có thể tạo hình mẫu sáp một cách chính xác.

Mẫu sáp chẩn đoán sẽ là một tham chiếu quan trọng cho các giai đoạn điều trị phẫu thuật, chỉnh nha và phục hình sau này.

Nhiều máng hướng dẫn khác nhau có thể được làm từ mẫu sáp này, giúp kiểm soát các thủ thuật, chẳng hạn như máng phẫu thuật, máng hướng dẫn chỉnh nha, máng hướng dẫn cắm implant, hướng dẫn làm dài thân răng và hướng dẫn mài sửa soạn phục hình.
4.5 Thử răng trên lâm sàng (mock-up)
Bước quan trọng tiếp theo để đánh giá độ chuẩn xác của quy trình thiết kế thẩm mỹ nụ cười và mẫu sáp là tiến hành thử răng trên lâm sàng. Thử răng lâm sàng có thể bằng cách tạo hình trực tiếp (mock-up) hoặc bằng phục hình tạm, tùy theo độ phức tạp của mỗi trường hợp.



Nếu bệnh nhân chưa chấp thuận, có thể tiến hành điều chỉnh mẫu răng thử cho đến khi đạt sự thống nhất giữa nha sĩ và bệnh nhân. Mẫu răng sau cùng này cũng sẽ là tham chiếu giúp kiểm soát các giai đoạn điều trị sau này. Ta có thể sửa soạn trực tiếp trên mẫu răng thử để đảm bảo xâm lấn tối thiểu, cho phép vừa đủ khoảng để thực hiện phục hình sứ phù hợp.

Với mẫu thiết kế răng đã được thống nhất, việc chế tác phục hình sau cùng cũng sẽ là một quá trình được kiểm soát để hạn chế tối đa việc điều chỉnh sau cùng. Nếu tất cả các bước nói trên được tiến hành đúng và cẩn thẩn, kết quả sau cùng thường sẽ vượt xa so với mong đợi của bệnh nhân.
Nếu bạn tìm hiểu về DSD thì không thể thiếu 2 bài viết sau đây:
- Kỹ thuật mockup hướng dẫn mài Veneer xâm lấn tối thiểu
- Độ sâu mặt ngoài của veneer laminate bao nhiêu là phù hợp?
Nguồn: Digital Smile Design-An innovative tool in aesthetic dentistry
bacsingochai.com