Một vật liệu trám răng cần có những đặc điểm tiêu chuẩn sau:
- Vừa khít đối với các thành, góc lỗ trám.
- Dính vào thành lỗ trám, không thấm nước, không để nước lọt qua.
- Sức bền cơ học đủ lớn.
- Ổn định về thể tích, không biến dạng, hệ số dãn nở gần với hệ số dãn nở của răng.
- Không tan trong môi trường miệng.
- Không độc, không gây kích thích cho các mô và cơ quan.
- Độ dẫn nhiệt thấp.
- Có tác dụng phòng ngừa, chống lại nguy cơ tái phát sâu răng ở nơi tiếp xúc với vật liệu.
- Về thẩm mỹ, phải giống màu răng và không đổi màu.
- Dễ bảo quản, dễ sử dụng và có thể tháo ra khi cần, không đắt tiền.
Ngoài những tính chất trên, ngày nay một vật liệu trám răng lý tưởng còn phải đạt được các tiêu chuẩn khác:

11. Phải có tính tương hợp sinh học (khả năng hòa hợp với sự sống và không gây độc hoặc thương tổn đến chức năng sinh học), nghĩa là vật liệu đó cần đạt các yêu cầu:
- Không gây hại cho tủy và mô mềm.
- Không chứa các chất có khả năng khuyếch tán độc tính, giải phóng và đi vào hệ tuần hoàn, gây phản ứng độc toàn thân.
- Không có các yếu tố dễ gây phản ứng dị ứng.
- Không có tiềm năng gây ung thư.
12. Phải lâu bền.
13. Cho phép việc tạo lỗ trám bảo tồn nhất (xâm lấn mô răng tối thiểu)

Những vật liệu nào dùng để trám răng tốt hiện nay?
Hiện nay có rất nhiều vật liệu khác nhau được sử dụng để trám răng. Vị trí và mức độ sâu răng, chi phí trám răng và bảo hiểm bạn đang dùng sẽ là những cơ sở để nha sĩ khuyến nghị bạn nên trám bằng vật liệu nào để mang lại hiệu quả tốt nhất.
- Vật liệu tổng hợp composite: Trám răng bằng composite là phương pháp trám răng thẩm mỹ hiệu quả cao được nhiều người lựa chọn. Vật liệu composite có màu ngà gần giống với sắc răng tự nhiên nhưng nhược điểm là ít bền hơn, đặc biệt là nếu dùng để trám những chỗ sâu răng lớn.
- Sứ: Vật liệu sứ có màu gần giống răng tự nhiên, sứ cũng có khả năng chống bám bẩn và ăn mòn tốt hơn so với vật liệu composite. Phương pháp trám bằng vật liệu này có thể ứng dụng đạt kết quả tốt nhất khi điều trị các răng hàm.
- Vàng: Kim loại vàng mang lại vẻ sang trọng và cũng bị mài mòn chậm hơn so với những loại vật liệu khác. Tuy nhiên, chi phí trám răng bằng vàng thường đắt hơn các vật liệu khác. Bạn cũng thường sẽ phải tới nha sĩ hai lần để hoàn tất quy trình trám răng này.
- GIC (Glass Ionomer Cement): GIC thường làm từ vật liệu acrylic và một thành phần của thủy tinh có tên gọi là fluoro aluminosilicate. Vật liệu GIC thường gắn rất chặt vào răng và giảm thiểu khả năng nứt ở chỗ vết trám. Thế nhưng, yếu tố thẩm mỹ của GIC không được xem là ưu tiên hàng đầu do màu sắc không giống màu răng tự nhiên.